Viết lách có quan trọng không?

Viết lách có quan trọng không?

·

7 min read

Bằng một cách nào đó, trong đầu tôi luôn có nhận thức rằng việc viết lách nói chung hay viết blog nói riêng là một kỹ năng rất quan trọng trong công việc và cuộc sống hàng ngày. Điều này không hề mới đối với tôi, không phải tôi vừa mới nhận ra ngày hôm qua, hay tháng trước, mà phải là rất nhiều năm rồi. Vậy tại sao từng ấy năm tôi lại chỉ viết được một vài bài lèo tèo như vậy?

image.png

Con số thực tế đã chứng minh rằng nhận thức của tôi về vấn đề này không hề chặt chẽ. Tôi bắt đầu nhận ra rằng dường như nhận thức đã không đi đôi với hành động, điều đó cho thấy nhận thức này đang bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khách quan, có thể là môi trường giáo dục, truyền thông, bạn bè,… Đây là lúc mà tôi cần có những tìm hiểu sâu hơn về vai trò của kỹ năng viết theo những cách nhìn nhận ít cảm tính hơn, logic hơn, để từ đó có những luận điểm chặt chẽ hơn cho nhận thức này. Và sâu xa hơn là tạo niềm tin và động lực vững chắc cho công cuộc viết blog.

1. Góc nhìn sinh học

Ở góc nhìn này, tôi tìm thấy 1 khái niệm là Hệ thống tín hiệu thứ 2, một loại tác nhân kích thích lên não bộ đặc trưng ở người, để phân biệt với động vật. Ngoài ngôn ngữ thì chữ viết là 1 trong 2 hình thái của hệ thống tín hiệu thứ 2 này. Qua đây để thấy rằng, chữ viết có vai trò rất lớn trong sự tiến hóa của con người. Nếu bỏ qua chữ viết, chúng ta dường như đã bỏ qua 1/2 lợi thế so với những động vật khác.

Nguồn violet.vn

Nói thêm một chút về hệ thống tín hiệu não bộ. Não bộ của chúng ta có 2 hệ thống tín hiệu, thứ nhất và thứ 2. Hệ thống tín hiệu thứ nhất là những cảm nhận nguyên thủy lên những sự vật hiện tượng. Với hệ thống tín hiệu này, con người sử dụng 5 giác quan để cảm nhận. Hệ thống tín hiệu thứ 2 được hình thành bằng việc khái quát hóa sự vật hiện tượng để có thể truyền đạt và kế thừa. Việc truyền đạt và kế thừa này được con người sử dụng thông qua ngôn ngữ và chữ viết. Ngoài ra, có thể hiểu thêm rằng hệ thống tín hiệu thứ nhất đã tồn tại sẵn trong mỗi người từ khi sinh ra. Còn hệ thống tín hiệu thứ 2 được hình thành và học hỏi theo dạng phản xạ có điều kiện trong quá trình lớn lên của con người. Và vì nó là phản xạ có điều kiện nên chúng ta cần liên tục củng cố để nó không bị mất đi.

2. Góc nhìn tin học

Nếu ai từng học lập trình thì chắc đều biết đến mô hình kinh điển IPO (Input-Process-Output). Nôm na rằng, 1 chương trình luôn có 3 giai đoạn, nhận dữ liệu đầu vào, xử lý dữ liệu và xuất dữ liệu ra. Một chương trình tốt, tôn trọng người dùng là chương trình sau khi nhận dữ liệu, tiến hành xử lý thì liên tục output cho người dùng các thông tin trong quá trình thực hiện. Về khía cạnh người dùng, chương trình được chạy trong 1 thời gian dài mà không có output nào cho người dùng thì rất dễ bị hiểu là đang bị treo và dẫn tới bị kill process.

IPO Model

Ngẫm ra thì mô hình IPO này hoàn toàn khớp với quá trình xử lý thông tin mà 1 con người thực hiện. Cũng cần có bước tiếp nhận thông tin thông qua đọc sách, tài liệu, tra cứu internet, hỏi han, trao đổi. Sau đó là phân tích, xử lý, ghép nối, thực hành,… Cuối cùng là đưa ra ouput. Cũng như 1 chương trình, nếu các output không được đưa ra thì quá trình xử lý dễ bị đánh giá là bị treo và kết cục là bị kill process. Tôi không cổ xúy với việc cho ra output 1 cách tràn lan, màn hình chạy vèo vèo những thông tin vô nghĩa, nhưng ít ra cũng phải có output các kết quả quan trọng trong các giai đoạn quan trọng.

Con người có 2 phương thức để output: nói và viết. Những người không có khiếu ăn nói như tôi, thường có xu hướng làm chậm các output trước khi được đưa ra dạng nói, hay nói cách khác là nghĩ quá nhiều trước khi nói nên thành ra hay ở dạng lòng vòng hoặc không thoát được ý. Để giảm thiểu rủi ro cho output, tránh bị rơi vào tình trạng biết làm mà không biết nói, tôi chọn kỹ năng viết để trau dồi và đưa ra các output của mình. Viết cũng là 1 cách để tôi có thể bù đắp lại thiếu sót trong năng lực xử lý output, tôi có thể ngẫm nghĩ thoải mái trước khi đưa ra kết quả, các câu cú sẽ được chau chuốt kỹ càng nhất có thể, đôi khi có thể chậm hơn, nhưng sẽ được kết quả tốt nhất, ưng ý nhất.

3. Góc nhìn xã hội

Ở khía cạnh này tôi nhìn thấy có 2 mặt, 1 mặt ở nhu cầu bản thân muốn cho mọi người biết những thứ mình biết nhằm marketing bản thân và 1 mặt nữa là nhu cầu xã hội về việc chia sẻ kiến thức.

Marketing bản thân là điều mà bất cứ ai cũng nên làm. Không hẳn là phô trương, khoe khoang nhưng ít nhất cũng phải để cho người khác biết được những thành quả của bản thân. Nếu bạn cho rằng những thành quả đó là tốt, hãy thể hiện và chia sẻ cho mọi người cùng biết. Về công việc, sếp của bạn, đồng nghiệp của bạn sẽ thấy được năng lực của bạn, các công ty khác hay cộng đồng cũng sẽ biết đến bạn, từ đó các cơ hội sẽ mở rộng thêm. Viết blog rõ ràng là 1 cách marketing bản thân tốt, là nơi để người khác có thể hiểu hơn về con người bạn.

Chia sẻ kiến thức là trách nhiệm đối với xã hội. Như Ev Williams (nhà sáng lập Medium) có viết: "Việc xuất bản nội dung viết trên mạng hiện nay đã hỏng, Phần lớn các bài viết, video, và “content” khác mà chúng ta tiêu thụ hàng ngày là được trả tiền để làm việc đó, trực tiếp hay gián tiếp, bởi các tập đoàn, người đang tài trợ để đạt được mục đích của họ - lợi nhuận." ( Nguồn) Vì vậy, thật đáng quý biết bao nếu chúng ta có những nội dung tốt, các kiến thức hay được viết ra để mọi người được tiếp cận và trao đổi. Hay đơn giản hơn là viết ra cho con cháu mình sau này có thể hiểu biết hơn về mình.

4. Góc nhìn bản thân

Ngẫm ra thì nói tôi lười viết cũng hơi cực đoan, lười viết blog thì đúng hơn. Nhiều năm qua, IDE phổ biến của tôi thường xuyên là MS Word. Các báo cáo, tiêu chuẩn, guideline do tôi soạn thảo trong nhiều năm qua thực sự là không thể kể hết. Số lượng viết lách đã nhiều như thế nhưng không hiểu tại sao 1, 2 năm gần đây, có gì đó luôn thôi thúc tôi cần phải viết nhiều hơn, cần làm theo bản năng nhiều hơn, vượt qua gò bó trong công việc hàng ngày. Nhìn xa hơn thì viết cũng là 1 cách để tôi cô đọng lại những thứ mình đã bỏ thời gian ra tìm hiểu. Nhìn chung, tôi thuộc dạng cũng hay tìm hiểu linh tinh, nhiều khi là cũng bỏ nhiều công sức nhưng rồi cũng có cái có kết quả, cái thì không. Do vậy viết blog cũng là 1 cách để tôi note ra những thứ đã tìm hiểu, để vừa cải thiện kỹ năng viết, lại vừa là chỗ để tôi có thể tìm lại sau này. Viết ra được thì cũng là 1 bước để cô đọng kiến thức, tổng hợp các sai lầm, từ đó có thể tránh cho những lần vô bổ về sau.

Kết luận

Viết lách rất quan trọng:

  • Theo đúng bản năng và sự tiến hóa.
  • Không viết, không nói thì không ai biết mình làm.
  • Một cách chia sẻ kiến thức tốt.
  • Viết lách không hẳn chỉ là blog, nó còn tài liệu, văn bản, báo cáo hay thậm chí là code.